Wednesday, September 27, 2006

Viêm mũi dị ứng

Trời trong xanh, nắng rực rỡ, gió Xuân đầu mùa hây hẩy. Nhìn ra vườn, nhiều bông hoa đã thi nhau phô sắc.

Xuân sang, đem bệnh viêm mũi do dị ứng đến cho một số người chúng ta. Viêm mũi do dị ứng, hay dị ứng mũi, khiến đời kém vui, còn có thể gây mệt mỏi, bực bội, thậm chí buồn sầu. Cứ trong 4 hay 5 người chúng ta, có 1 người bị viêm mũi do dị ứng (20-24%). Ngoài việc gây những triệu chứng khó chịu, viêm mũi do dị ứng cũng dễ đưa đến suyễn (hoặc làm suyễn trở nặng hơn), gây biến chứng viêm các xoang quanh mũi, viêm tai giữa có nước (otitis media with effusion), thịt dư trong mũi.

58% những người lớn mang bệnh dị ứng mũi loại theo mùa bị luôn cả suyễn (asthma). Ở trẻ em cũng thế, dị ứng mũi và suyễn hay đánh đôi với nhau. Chữa suyễn, nhưng không định ra và chữa luôn dị ứng mũi, suyễn sẽ khó bớt.

Từ tai và các xoang (sinus) quanh mũi có những ống dẫn đổ vào mũi. Mũi như một cái hồ lớn, tai cùng các xoang quanh mũi, những hồ nhỏ. Các chất tiết từ tai, từ các xoang quanh mũi ví như nước, róc rách đổ vào hồ lớn là mũi qua những con lạch, suối con. Màng mũi sưng có thể làm tắc những ống dẫn, những lạch, suối này, khiến chất tiết ứ đọng ở tai và các xoang quanh mũi. Trong cơ thể ta, nơi nào có sự ứ đọng, nơi đó các vi trùng dễ tụ họp, vui vẻ sinh sôi nảy nở, và làm loạn. Thế là xảy ra viêm sưng tai giữa (otitis media) hoặc viêm xoang (sinusitis).

Nhiều người bị dị ứng quanh năm mọc thịt dư trong mũi, mũi thêm nghẹt.

Dị ứng mũi hay xảy ra ở người có “máu” dị ứng: người dị ứng mũi cũng hay bị dị ứng da, nổi mề đay, có suyễn. Nếu không, người bệnh có người thân trong gia đình cũng mang bệnh dị ứng mũi hay những bệnh dị ứng kể trên. Bệnh dị ứng mũi thường bắt đầu trước tuổi 40, trong thời thơ ấu, hoặc đang thành niên, rồi có khuynh hướng giảm dần theo tuổi. Bệnh ít khi tự nhiên hết hẳn.



Hai thể bệnh


Dị ứng mũi có hai thể bệnh: dị ứng theo mùa (seasonal allergic rhinitis) và dị ứng quanh năm (perennial allergic rhinitis). Loại dị ứng quanh năm xảy ra nhiều hơn.

- Dị ứng theo mùa:

Người dị ứng mũi theo mùa có triệu chứng khi tiếp xúc với chất gây dị ứng (gọi là allergens) bay lượn trong không khí vào một mùa đặc biệt nào đó của năm.

Người dị ứng mũi theo mùa thường dị ứng với cây, cỏ, hoặc cỏ dại. Vào một mùa nào đó, cây (thường trong mùa Xuân), cỏ (thường vào mùa Hạ), cỏ dại (mùa Thu) hay gây dị ứng bỗng sản xuất nhiều phấn hoa bay theo gió. Các phấn hoa ấy không kỳ thị ai, theo gió đến thăm đều mọi người, lọt cả vào mũi những người dị ứng. Tại một địa phương, hàng năm việc sản xuất phấn hoa theo mùa của những cây, cỏ, cỏ dại này ít khi thay đổi. Cho nên, những người bị dị ứng khi Xuân sang, thường lại sẽ khổ sở vào mùa Xuân năm tới. Nhưng từ địa phương này sang địa phương khác, sẽ có sự thay đổi lớn lao, những cây, cỏ, cỏ dại gây dị ứng có khi đâm chồi nảy nở vào một mùa khác.

- Dị ứng quanh năm:

Người dị ứng quanh năm là người dị ứng với nhiều chất luôn có mặt trong môi trường chung quanh, suốt năm thay nhau làm khổ người bệnh. Chẳng hạn như các chất bay ra từ lông thú vật (chó, mèo nuôi trong nhà, lại cưng cho nằm cùng giường), những chất hoá học dùng trong kỹ nghệ, hoặc bụi bặm (bụi bặm chồng chất ở nhà, ở sở, trong những chồng sách bỏ thì thương, vương thì tội, cố giữ nhưng không bao giờ mó tới). Trong bụi có nhiều chất khác nhau, kể cả những chú bọ bụi con con (dust mites). Bọ bụi là một trong những nguồn gây dị ứng quan trọng. Nhiều người bị dị ứng quanh năm vì bụi, nhưng lại chỉ với bụi nhà, thế mới kỳ. Có người dị ứng với nấm mốc (molds). Mốc gần như ở đâu cũng có, hiện diện trong đất và những chất hữu cơ hư thúi. Lâu lâu, tùy tình trạng thời tiết, mốc tung ra những mốc con (spores) bay trong không khí.

Vào một mùa nào đó trong năm, người dị ứng mũi quanh năm vẫn có thể bị nặng hơn, do có thêm những chất gây dị ứng trong không khí.

Ở một số người dị ứng quanh năm, người ta không tìm thấy chất gây dị ứng (khác gì một người quanh năm hục hặc với vợ con, tìm mãi không ra lý do chính đáng). Thường, thức ăn không phải là nguyên nhân quan trọng gây dị ứng mũi, bạn đừng khổ sở kiêng cữ đủ thứ.



Định bệnh



Bệnh dị ứng mũi theo mùa khiến ta hắt hơi, chảy mũi nước, nghẹt mũi, ngứa mắt, ngứa mũi, tai và cổ họng, chảy nước mắt. Nhiều người đau khổ thở bằng miệng, vì mũi nghẹt quá. Có vị ban đêm thở to, người khác than phiền. Triệu chứng giảm dần khi mùa dị ứng qua đi.

Người dị ứng mũi quanh năm thường nghẹt mũi kinh niên, tuy cũng có thể bị các triệu chứng khác kể trên, khiến họ thường than: “Tôi cứ cảm hoài”. Thêm vào đó, người bệnh có khi không ngửi thấy mùi, ho mãi ho hoài, nhức đầu, tai nghe kém, hơi thở hôi. Cái kinh niên của căn bệnh làm người bệnh bực bội, mệt mỏi và buồn sầu. Đã vậy, giống như một người bệnh lâu ngày đâm bực bội với mọi người, mọi vật, mũi dị ứng quanh năm đâm khó chịu, nhạy ứng (hypersensitive) cả với khí lạnh (cold air), với sự thay đổi của thời tiết, với khói thuốc lá, những mùi mạnh, nồng (như mùi nước hoa, mùi xăng dầu). Những thứ này góp phần khiến triệu chứng bệnh kéo dài lâu hơn. Bạn mang bệnh dị ứng mũi, mà còn hút thuốc lá, bỏ thuốc đi thôi, bạn ơi!

Bác sĩ khám, thấy màng mũi người bệnh màu tái nhạt. Cổ họng trông bình thường hay hơi đỏ. Mắt người bệnh có thể đỏ và sưng, như mới khóc.

Thế ai bị chảy mũi, nghẹt mũi, hắt hơi cũng là do dị ứng cả ư? Thưa bạn không phải. Trong những trường hợp hợp sau, ta cũng có thể chảy mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, do màng mũi viêm sưng:

- Cảm, cúm: cảm hoặc cúm cũng hay gây chảy mũi, nghẹt mũi, hắt hơi lắm chứ. Nhưng triệu chứng mũi của cảm hoặc cúm thường chỉ kéo dài độ một tuần đến 10 ngày, còn triệu chứng gây bởi dị ứng mũi có thể kéo dài nhiều tuần hoặc nhiều tháng, lúc nhiều lúc ít. Người bị cảm, cúm hay thấy nhức đầu, đau nhức bắp thịt, uể oải, mệt mỏi, ho hắng, có khi nóng sốt, ớn lạnh. Nên nhớ, người dị ứng mũi lâu lâu vẫn có thể nhiễm cảm hoặc cúm như người khác. Những lúc ấy, triệu chứng mũi nặng thêm lên. Màng mũi người bệnh lúc bị cảm, cúm khám thấy đỏ, chứ không tái nhạt như khi chỉ dị ứng thuần túy.

- Mang thai: 18% các phụ nữ mang thai sưng màng mũi. Sự chữa trị thường gặp khó khăn. Bác sĩ nào cũng nghĩ đến em bé trong bụng, và... rét, không dám mạnh tay dùng thuốc, vì rất ít thuốc được xem là hoàn toàn vô hại cho thai.

- Viêm mũi do dùng thuốc (rhinitis medicamentosa):

Có người dùng những thuốc nhỏ mũi mua bên ngoài không cần toa (như Afrin, Dristan) lâu ngày, bị hiện tượng “nặng hơn sau khi dùng thuốc” (rebound phenomenon). Lúc dùng thuốc nhỏ, mũi thông lắm, thở được, song khi tác dụng của thuốc tan, màng mũi sưng thêm, gây nghẹt nhiều hơn. Người bệnh càng hăng hái dùng thuốc nhỏ mũi, rồi đi vào vòng lẩn quẩn, viêm sưng mũi kinh niên. Những thuốc nhỏ cho thông mũi mua bên ngoài không cần toa chỉ nên dùng ngắn hạn, từ 3 đến 7 ngày, khi ta nghẹt mũi do cảm, cúm.

Vài loại thuốc uống cũng có thể gây sưng màng mũi, chẳng hạn các thuốc dùng chữa bệnh cao áp-huyết như Reserpine, Inderal... Đi khám bệnh, ta nên đem theo tất cả các thuốc đang dùng ở nhà đưa bác sĩ xem.

- Bệnh suy tuyến giáp trạng (tuyến quan trọng nằm ở cổ phía trước): cũng có thể làm mũi nghẹt kinh niên, nước mũi chảy xuống cổ họng (postnasal drip), giọng nói thay đổi.



Cơ chế gây dị ứng mũi



Ngoài nhiệm vụ hít ngửi mùi hương hộ cho chủ, khiến cuộc đời người chủ cái mũi thêm thi vị, mũi còn được trao một nhiệm vụ khác, quan trọng không kém.

Mũi là tiền đồn của hệ-thống hô hấp. Màng mũi bên trong không bằng phẳng như ta tưởng, nhưng xếp thành nhiều nếp. Không khí trước khi vào phổi phải trình giấy thông hành ở mũi, để được điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm. Đồng thời, màng mũi gạn lọc không khí trước khi không khí được hít vào phổi. Những thứ có phân tử lớn trong không khí bị giữ lại. Sở dĩ có hiện tượng dị ứng, là vì các chất gây dị ứng khi vào mũi, gây sự với những tế bào đặc biệt gọi là mast cells nằm ngay tại màng mũi. Lúc ấy, một lô những phản ứng dây chuyền xảy ra, đẻ một lô những chất hóa học, trong đó có chất histamine. Histamine là một trong những chất chính làm màng mũi dị ứng sưng lên. Vì thế, khi bạn đi tìm mua thuốc để chữa chạy cho cái mũi tội nghiệp của bạn, bạn thấy những thuốc chống dị ứng thường được quảng cáo có chứa chất antihistamine (chống lại histamine).

Chỗ nào có hiện tượng viêm sưng, sẽ có sự tiết nước. Màng mũi viêm sưng khiến bạn nghẹt mũi, và tiết ra nước làm bạn chảy nước mũi. Chất histamine còn gây ngứa ngáy, nên bạn hắt hơi, ngứa mũi, ngứa cả mắt, tai, cổ họng.



Chữa trị



Chữa trị dị ứng mũi sớm và hữu hiệu, ta sẽ bớt đau khổ, thấy Xuân vui hơn, đồng thời tránh được các biến chứng. Khi biến chứng (suyễn, sưng các xoang quanh mũi, viêm tai giữa) đã xảy ra, sự chữa trị sẽ thêm phức tạp và tốn kém.

Sự chữa trị nhắm hai mục đích:

- Làm sao để tránh các chất gây dị ứng.

- Dùng thuốc.

Thỉnh thoảng, có những trường hợp cần được chữa thêm bằng cách giúp cơ thể quen dần với các chất gây dị ứng. Cách chữa này được gọi immunotherapy.

Kỳ này, ta bàn đến các cách tránh một vài chất hay gây dị ứng. Các thuốc dùng chữa dị ứng mũi xin bàn đến trong bài kỳ tới.

* Tránh các chất gây dị ứng:

Đầu tiên là nhận diện được các chất gây dị ứng. Nhiều người chúng ta bị dị ứng mũi theo mùa có thể biết đích xác mình hay có triệu chứng vào những mùa nào. Với những trường hợp dị ứng quanh năm, việc đi tìm chất gây dị ứng không phải là dễ. Những chất gây rối có thể ở sở làm, hoặc ở ngay tại nhà của bạn. Bạn thử cố gắng tìm hiểu xem triệu chứng của mình nặng hơn vào lúc nào: khi cắt cỏ, khi hút bụi trong nhà theo lệnh của bà xã? những lúc ngửi phải mùi thuốc lá, hoặc mùi nào đó? triệu chứng nhiều hơn ở sở hay ở nhà? Triệu chứng bắt đầu xảy ra kể từ khi bạn mới mua con mèo bốn chân nuôi trong nhà?...

Sau đây là một ít những phương cách giúp tránh bớt các phấn hoa (pollen), bụi (dust), các chất bay ra từ lông thú vật (animal dander), và nấm mốc (mold):

- Phấn hoa:

Bạn theo dõi tin thời tiết mỗi ngày. Vào những ngày lượng phấn hoa lên cao trong không khí, bạn nên ở trong nhà, hoặc ít nhất cũng tránh đi chơi ra vùng đồng quê. Ở nhà, bạn đóng các cửa sổ và mở máy điều hòa không khí (air conditioner), nhất là vào buổi sáng khi phấn hoa bay nhiều. Ngồi trong xe, bạn quay các cửa sổ xe lên, để các phấn hoa chỉ nhìn thấy bạn, song không vào được trong xe làm phiền bạn. Khi ra khỏi nhà, bạn nên dùng kiếng mát kín để che mắt (wraparoud sunglasses or goggles).

Bạn tránh cắt cỏ hoặc dọn lá ngoài vườn. Nếu bắt buộc phải làm, bạn nên che mặt và mũi bằng một dụng cụ che mặt (mask).

- Bụi:

Trong bụi, tác nhân gây dị ứng nhiều nhất là các bọ bụi (dust mite), sống trong nệm, gối, chăn mền, thảm, màn cửa, đồ đạc được nhồi đệm bên trong (upholstered furniture). Để chống bọ bụi, ta dùng các phương cách sau:

· Bọc các nệm và gối bằng các bao chống dị ứng (allergy-proof casings).

· Giặt tất cả những thứ ta hay dùng trên giường nằm như chăn mền, gối... bằng nước nóng (130 độ F) mỗi 1-2 tuần. Những thứ không giặt được nên bọc trong các bao chống dị ứng rồi đem “dry clean”.

· Nếu có thể, không dùng thảm trong phòng ngủ. Còn không, nên giặt thảm với chất Acarosan mỗi 4-6 tháng để giết bớt bọ bụi.

· Tránh dùng thảm trên những sàn xi-măng (concrete floors). Thảm giữ hơi ẩm, là môi trường tốt để bọ bụi và nấm mốc sinh sôi. Dùng “vinyl” hay “linoleum” để dễ chùi rửa.

· Thường xuyên giặt rửa các đồ chơi nhồi bông, cùng đồ trải giường của các cháu bé. Khi không dùng đến chúng, cất chúng vào các bọc plastic hay máy đông lạnh (freezer).

· Độ ẩm trong nhà nên giữ dưới mức 50% (bọ bụi sanh sản ở độ ẩm cao). Dùng dụng cụ đo độ ẩm để theo dõi và dùng máy làm giảm độ ẩm nếu cần (dehumidifier).

- Các chất từ lông thú:

Tốt nhất là tránh giữ gia súc (pets) trong nhà. Nếu giữ chúng trong nhà, tuyệt đối không cho chúng vào phòng ngủ, và để chúng ở ngoài sân nhiều hơn trong nhà.

- Nấm mốc:

Các nấm mốc bay trong không khí, gây dị ứng ở cả trong lẫn ngoài nhà. Ta tránh các nấm mốc bằng cách tránh xuống các hầm nhà ẩm ướt, tiếp xúc với phân bón, với lá rụng, cỏ cắt để lâu, tránh vào các kho chứa của các trang trại, đến các vùng nhiều gỗ. Trong nhà nên giữ độ ẩm dưới 35%, bằng cách dùng máy điều hòa không khí vào mùa Hè, và không nên làm ẩm quá đáng (over-humidification) vào mùa Đông [nhiều vị dùng máy làm ẩm (humidifier) vào mùa Đông để không khí trong nhà khỏi quá khô do dùng sưởi].

“Ách... xùm”. Xin lỗi bạn, đến giờ người viết phải đi dùng thuốc rồi đây. Chả dám dấu, mấy bữa nay, cái mũi người viết cũng đang muốn làm loạn.
Bác sĩ Nguyễn Văn Đức

8748 E. Valley Blvd. # H
Rosemead, CA 91770
(626) 288-3306
(www.hqtysvntd.org)

---------
CÁC THUỐC CHỮA DỊ ỨNG MŨI


Bác sĩ Nguyễn Văn Đức

8748 E. Valley Blvd. # H

Rosemead, CA 91770

(626) 288-3306

(www.hqtysvntd.org)



Bài kỳ này, xin tiếp tục câu chuyện dài về bệnh dị ứng mũi (hay viêm mũi do dị ứng), bàn về các cách chữa trị bằng thuốc. Những phương cách dùng để tránh một số chất hay gây dị ứng đã được trình bày trong bài trước.

Sự chữa trị dị ứng mũi bằng thuốc, muốn hữu hiệu, cần dựa vào những yếu tố:

- Định bệnh chính xác:

Đây đúng dị ứng mũi? hay viêm mũi do siêu vi trùng (viral rhinitis: khi cảm, cúm)? hoặc viêm mũi cùng các xoang quanh mũi do vi trùng (bacterial rhinosinusitis)? do một bệnh trong cơ thể (như bệnh suy tuyến giáp trạng, ...)? do dùng thuốc (thuốc uống hoặc thuốc xịt mũi)? Đã thế, cần xem trong mũi có gì khác bất thường như vách mũi lệch, thịt dư trong mũi, ...

- Triệu chứng của người bệnh:

Triệu chứng nào làm bạn khổ nhất: ngứa mũi, ngứa mắt, ngứa tai và cổ họng, hắt hơi, chảy mũi nước, hay nghẹt mũi, ...? Tùy triệu chứng nào làm khổ bạn nhất, ta sẽ dùng thuốc thích ứng.

- An toàn:

Nhiều thuốc chữa dị ứng mũi gây buồn ngủ, khiến bạn không làm ăn gì được, hoặc đi trong cuộc đời như đi trong mơ, lái xe gây tai nạn. Dùng thuốc như vậy, dù hữu hiệu, đời cũng mất thú, có khi ra tòa.

- Ý thích của người bệnh:

Bạn thích cách chữa nào, xin cho biết. Tất nhiên, điều này lại tùy vào sự hiểu biết của bạn về các cách chữa trị, đồng thời, cũng vào... túi tiền bạn nữa. Cũng xin bạn cho biết, bạn đã từng dùng những thuốc gì, kết quả ra sao. Thử qua nhiều thuốc, có khi thuốc bạn mua bên ngoài không cần toa bác sĩ lại giúp bạn hơn cả những thuốc mắc tiền bác sĩ biên toa. Nên, trên đường chạy chữa cái mũi dị ứng khốn khổ, bạn nhớ ghi chép lại tên những thuốc nào bạn đã dùng qua, thuốc nào giúp, thuốc nào không.

Bác sĩ trước khi ngoáy bút trên toa thuốc, sẽ đắn đo, cân phân những điều kể trên. Thêm vào đó, sự trị liệu cũng khác biệt tùy người bệnh là trẻ em, vị cao niên, hoặc phụ nữ mang thai, lực sĩ thi thế vận hội, ...



Thuốc uống



1. Các thuốc antihistamines:

Xin nhắc lại một chút, dị ứng mũi gây do các phản ứng dị ứng khi chất gây dị ứng (gọi là allergens, như những phấn hoa trong mùa này) bay vào mũi, tiếp xúc với các tế bào mast cells nằm ngay trong màng mũi. Phản ứng làm phát sinh nhiều chất hóa học, trong đó có các chất histamine, leukotrienes, ...

Histamine là một trong những thủ phạm chính gây các triệu chứng. Thuốc antihistamines (chống lại histamine), bất lực hóa tác dụng của chất histamine, nên làm giảm các triệu chứng dị ứng mũi.

Các thuốc antihistamines hiện được chia làm hai nhóm:

- Các thuốc gây buồn ngủ (sedating antihistamines): các thuốc có thể làm ta dật dừ, buồn ngủ, như Benadryl, Chlor-Trimeton, Tavist, Atarax, Phenergan, ...

Những thuốc này được cái rất rẻ, nhiều thuốc mua không cần toa bác sĩ. Song chúng hay khiến ta dật dờ, mệt mỏi. May ra, bạn sẽ quen dần với những phản ứng bất lợi của chúng sau 3-4 ngày dùng thuốc. Thuốc còn có thể làm khô miệng, bí tiểu, áp huyết xuống thấp, lên cân, chóng mặt, ù tai, mờ mắt, buồn nôn, ói mửa, ... Thêm vào đó, thường chúng cần được dùng nhiều lần trong ngày, vì có tác dụng ngắn.

Thuốc mới Zyrtec, cũng thuộc nhóm gây buồn ngủ, song ít gây dật dừ và những phản ứng phụ khác như các thuốc cùng nhóm, lại chỉ cần dùng ngày 1 lần.

- Các thuốc không buồn ngủ (nonsedating antihistamines): gồm các thuốc Allegra, Claritin, Clarinex. (Khi đi mua thuốc, lúc móc ví trả tiền, bạn còn tỉnh hẳn người... vì chúng khá đắt).

Allegra, Claritin, Clarinex ít làm khô miệng, bí tiểu, tiện lợi vì chỉ cần dùng ngày 1 hay 2 lần. Claritin nay mua được không cần toa bác sĩ.

Do ít gây phản ứng phụ, ba thuốc này được các bác sĩ dùng rất nhiều. Song, mỗi cơ thể một khác, có khi bạn lại thấy một thuốc mua bên ngoài không cần toa bác sĩ giúp bạn hơn cả thuốc mắc tiền bác sĩ biên toa. Nếu thuốc ấy không gây phản ứng gì khiến bạn khó chịu, thì ta cứ tiếp tục dùng nó, vừa tốt vừa rẻ.

2. Các thuốc co màng mũi (decongestants):

Các thuốc antihistamines, loại gây buồn ngủ hoặc loại không gây buồn ngủ, đều chỉ làm bớt chảy mũi, hắt hơi, ngứa mũi, ngứa mắt, ngứa cổ họng, nhưng không làm bớt nghẹt mũi.

Các thuốc co màng mũi mới chữa nghẹt mũi. Sudafed là một thuốc co màng mũi điển hình, chắc ai trong chúng ta cũng đã có dịp dùng.

Thuốc co màng mũi có thể khiến ta nhức đầu, hồi hộp do tim đập nhanh, khó ngủ, bứt rứt, dễ nổi nóng (irritability). Thuốc cũng làm co thắt các mạch máu toàn cơ thể, nên có thể gây cao áp huyết, cao áp suất trong mắt (glaucoma). Các vị mang bệnh cao áp huyết, tiểu đường, bệnh tim, cường tuyến giáp trạng (hyperthyroidism), cao áp suất trong mắt, chỉ nên dùng thuốc co màng mũi dưới sự hướng dẫn và theo dõi của bác sĩ.

Thuốc co màng mũi chữa nghẹt mũi, nhưng ngược lại, không làm giảm chảy mũi, hắt hơi, ngứa ngáy. Để chữa mọi triệu chứng của dị ứng mũi, kể cả nghẹt mũi, người ta mới cộng cả hai thuốc antihistamine và decongestant, thành một loại thuốc tổng hợp gọi là antihistamine/decongestant. Các thuốc tổng hợp antihistamine/decongestant hiện được dùng nhiều trên thị trường: Dimetapp, Chlor-Trimeton-D, Actifed, Tavist-D, Allegra-D, Claritin-D, ...

Cái giá của người dùng thuốc tổng hợp antihistamine/decongestant thường phải trả là khó ngủ (insomnia) và khô miệng (dry mouth).

3. Thuốc có chất steroid:

Trong những trường hợp dị ứng mũi nặng, ta phải dùng đến vũ khí mạnh: chất steroid. Ở Mỹ, Prednisone là thuốc steroid hay được dùng nhất. Prednisone dễ sử dụng, và ít gây hại hơn những thuốc cùng loại. Dẫu vậy, trường hợp dị ứng mũi cần đến Prednisone, thuốc cũng chỉ nên dùng trong một thời gian ngắn (3 đến 5 ngày).

4. Thuốc antileukotrienes:

Gần đây, thuốc Singulair, thuộc nhóm antileukotrienes (chống lại leukotrienes), chữa suyễn, cũng được dùng để chữa dị ứng mũi.

Singulair hữu hiệu ngang với thuốc Claritin, song đắt hơn.



Thuốc xịt mũi



1. Thuốc xịt chứa chất steroid:

Như các thuốc xịt Beconase, Flonase, Nasacort, Nasalide, Nasonex, Rhinocort, v.v., giá 35 đến 64 mỹ-kim một bình (dùng khoảng một tháng). Thuốc cần có toa bác sĩ mới mua được.

Trong các thuốc chữa dị ứng mũi, thuốc xịt mũi chứa chất steroid hữu hiệu nhất. Chúng có tác dụng chống viêm ngay tại chỗ, trị cả dị ứng mũi theo mùa lẫn dị ứng mũi quanh năm. Chảy mũi, nghẹt mũi, ngứa mũi, hắt hơi, nước sau mũi chảy xuống họng, chúng trị tất. Có điều, nếu ta ngứa cả mắt, tai hay cổ họng, thuốc không giúp được. Trường hợp này, ta dùng thêm thuốc uống antihistamine để bớt ngứa mắt, tai, cổ họng. Gần đây, nhiều thuốc nhỏ mắt chống dị ứng ra đời, giúp mắt bớt ngứa.

Điểm quan trọng ta cần hiểu là những thuốc xịt mũi chứa chất steroid thường không tác dụng ngay. Cần khoảng vài ngày đến một tuần thuốc mới phát huy đầy đủ uy lực của chúng. Bỏ thuốc sớm trước khi thuốc có tác dụng, sẽ mất tiền, mà chẳng nên cơm cháo gì.

Trước khi dùng thuốc, nên hỉ mũi sạch sẽ, để thuốc dễ tiếp xúc với màng mũi. Tốt nhất, nên dùng thuốc co màng mũi decongestant 1-2 giờ trước, giúp màng mũi co lại bớt, thuốc xịt dễ hít vào sâu trong mũi. Và bạn nhớ xịt thuốc chếch ra ngoài, về phía cánh mũi, để thuốc bám vào màng mũi ở hai bên cánh mũi, chứ không lọt ra sau cổ họng uổng thuốc.

Thuốc xịt mũi chứa chất steroid ít khi gây phản ứng bất lợi đáng kể. Không gây lừ nhừ, cũng chẳng làm mất ngủ. Có người dùng thuốc cho biết thuốc làm mũi hơi khó chịu (irritation). Xịt mũi bằng nước muối saline (saline spray) trước khi dùng thuốc xịt chứa chất steroid, có thể ngừa được tác dụng phụ khó chịu này. Có người dùng thuốc lâu bị mọc nấm Candida trong mũi. Điều này cũng hiếm khi xảy ra.

2. Thuốc xịt chứa chất Cromolyn sodium:

Thuốc xịt chứa chất Cromolyn sodium (tên thương mại: Nasalcrom) rất lành, không gây hại cho trẻ em và thai nhi, nên có thể dùng được cho trẻ em dưới 3 tuổi và các phụ nữ mang thai.

Tuy vậy, thuốc xịt chứa chất Cromolyn sodium không hữu hiệu bằng thuốc xịt chứa chất steroid. Thuốc chậm tác dụng, được dùng vào mục đích phòng ngừa nhiều hơn chữa trị. Thuốc phải dùng ngày nhiều lần. Thuốc mua được không cần toa bác sĩ.

3. Thuốc xịt làm co màng mũi (nasal decongestant):

Như các thuốc xịt mũi Afrin, Dristan, Neo-Synephrine, Otrivin, Privine, ... mua bên ngoài không cần toa bác sĩ.

Loại thuốc xịt này nhanh chóng làm co màng mũi, khiến mũi bớt nghẹt ngay, rất dễ chịu. Tuy nhiên, dùng lâu ngày, chúng gây hiện tượng “nặng hơn sau khi dùng thuốc” (rebound phenomenon): lúc dùng thuốc, mũi thở thông lắm, nhưng khi tác dụng của thuốc tan, màng mũi sưng thêm lên, gây nghẹt nhiều hơn. Những thuốc xịt làm co màng mũi chỉ nên dùng ngắn hạn, từ 3 đến 7 ngày.

Ngoài các thuốc xịt kể trên, còn có nước muối (saline spray, mua không cần toa), thuốc xịt Atrovent chứa chất ipratropium bromide, và thuốc xịt Astelin chứa chất antihistamine. Khi mũi khô, khó chịu nhiều, nước muối saline xịt vào mũi giúp mũi bớt khô. Ngược lại, khi mũi chảy nước nhiều quá (do dị ứng mũi; do bị cảm; ăn thức ăn cay, nóng; uống rượu; ...), dùng thuốc xịt Atrovent sẽ làm mũi khô ngay trong vòng 30 phút, và tác dụng của thuốc kéo dài khoảng 8 đến 12 tiếng (thuốc không chữa hắt hơi, ngứa, nghẹt mũi). Thuốc xịt Astelin chứa chất antihistamine, nên có tác dụng cũng như phản ứng phụ tương tự những thuốc uống antihistamine loại gây buồn ngủ.



Immunotherapy


Thỉnh thoảng, có trường hợp dị ứng mũi nặng quá, dùng thuốc không ăn thua mấy, cần được chữa thêm bằng cách giúp cơ thể quen dần với các chất gây dị ứng. Cách chữa này được gọi immunotherapy (miễn nhiễm trị liệu). Cách chữa này công phu, tốn kém. Đầu tiên cần tìm ra đúng những chất là thủ phạm gây dị ứng (bằng cách thử phản ứng da, hoặc thử máu), rồi chích những chất ấy vào cơ thể, cứ mỗi 1-2 tuần, với lượng cao dần, để cơ thể từ từ quen với chúng.

Sự trị liệu kéo dài 3 đến 5 năm. Phản ứng nguy hiểm hiếm khi xảy ra, nhưng cẩn thận, sau khi chích thuốc, bạn nên nán lại văn phòng bác sĩ 30 phút, để được theo dõi xem có phản ứng gì không.



Dùng cách chữa nào bây giờ?



Nhiều cách chữa thế, biết dùng cách nào? Việc chữa trị tùy vào sự nhận định của bác sĩ, và dựa vào những yếu tố trình bày ở đầu bài.

Nói chung, trong sự trị liệu dị ứng mũi, khuynh hướng chữa trị mới có vẻ ủng hộ việc dùng thuốc chống histamine không hoặc ít gây buồn ngủ (các thuốc Allegra, Claritin, Clarinex, Zyrtec) và thuốc xịt mũi chứa chất steroid (Beconase, Flonase, Nasacort, Nasalide, Nasonex, Rhinocort, ...). Trường hợp dùng một trong hai cách chữa kể trên, triệu chứng vẫn không thuyên giảm mấy, ta dùng cả hai cách: trong uống ngoài... xịt (có điều, ta sẽ trả một giá đắt, trên dưới 100 mỹ-kim mỗi tháng).

Nếu triệu chứng vẫn không bớt nhiều, ta mạnh tay hơn, dùng thuốc tổng hợp antihistamine/decongestant (như Allegra-D, Claritin-D, Clarinex-D, ...), cùng lúc vẫn dùng thuốc xịt chứa chất steroid. Nặng hơn nữa, ta dùng thêm thuốc uống Prednisone trong 3 đến 5 ngày.

Người dị ứng mũi quanh năm, thỉnh thoảng triệu chứng lại trở nặng vào một mùa nào đó, cách tốt là dùng thuốc xịt mũi chứa chất steroid liên tục, và dùng thêm thuốc uống vào những mùa triệu chứng trở nặng.

Các thuốc xịt chứa chất steroid được sử dụng nhiều vì rất hữu hiệu, lại ít gây tác dụng phụ. Tuy nhiên, chúng không thành công trong những trường hợp hợp sau:

- Nếu mũi có những bất thường như vách mũi lệch, thịt dư to che lấp màng mũi, màng mũi sưng nhiều quá, v.v., khiến thuốc không vào sâu trong mũi, không thấm sâu vào được màng mũi.

- Nhiều người vẫn thích dùng thuốc uống thay vì thuốc xịt (một phần vì thuốc xịt còn khá đắt).

- Nhiều trẻ em và các vị lớn tuổi không biết cách dùng thuốc xịt.

Và sau cùng, như đã bàn, những trường hợp dị ứng mũi nặng quá, thuốc nào cũng không giúp mấy, cần chữa thêm bằng immunotherapy.

Sự chữa trị bệnh dị ứng mũi bằng thuốc, theo những khảo cứu mới, sẽ tốn kém nhiều hơn ta tưởng (có thể cả trăm mỹ-kim mỗi tháng). Khéo dùng thuốc, sử dụng bình xịt mũi đúng kỹ thuật, nhiều trường hợp chúng ta giảm thiểu được tốn kém, song vẫn đạt kết quả trị liệu.

1 Comments:

At 10:49 AM, Blogger Unknown said...

This comment has been removed by the author.

 

Post a Comment

<< Home